Return to site

TRIẾT HỌC LÀ BẢN NĂNG

Triết học xuất phát từ bản năng tò mò khám phá thế giới của con người. Sau khi sinh, ta đã bắt đầu cảm nhận cuộc sống, khi là 1 đứa trẻ ta đã muốn tìm hiểu thế giới nhỏ bé quanh mình, khi lớn lên ta bắt đầu muốn trải nghiệm cuộc sống ở một thế giới rộng lớn hơn...và sự tò mò, không ngừng học hỏi đó cứ mở rộng dần đến vô hạn, bởi vì vũ trụ quanh ta là vô hạn.

Triết học không chỉ bao gồm những nội dung phức tạp như chúng ta thường nghĩ. Triết học chỉ đơn giản là những thắc mắc quanh ta mở rộng dần như hình xoắn ốc. Từ những câu hỏi vô cùng ngây ngô như: tại sao cái này ăn được còn cái kia thì không? Tại sao nước lỏng, lửa thì nóng? Tại sao con bị bệnh?...

Đến những câu hỏi khó hơn như: Tại sao mặt trời tròn và sáng? Tại sao có ngày và đêm? Nóng và lạnh?... Và đến những câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng vô cùng khó: Tại sao sơn có màu sắc? Tại sao lá màu xanh? Tại sao diệp lục màu xanh? Tại sao có hình dạng, có thông tin? Tại sao có sự sống? Có tồn tại linh hồn hay không? Nếu có thì linh hồn là gì? Ta là ai? Thần linh là gì? Thượng đế là gì?...Có hàng vạn, hàng tỉ câu hỏi như vậy.

Thắc mắc, tò mò là bản năng của mỗi con người, nên chính mỗi câu hỏi về cuộc sống quanh ta tự nó mang đến sự hấp dẫn. Vậy tại sao Triết học hiện nay không thực sự hấp dẫn như nó vốn có? Giống như bơi lội, bản năng này đang bị đánh mất dần, có thể bởi cuộc sống cuốn đi, có thể là chính chúng ta cũng không biết phải bắt đầu từ đâu, có thể bởi sự truyền đạt của 1 nền giáo dục...

Tìm lại cảm giác tò mò về thế giới như lúc ta còn nhỏ chính là 1 trong những nhiệm vụ của giáo dục Triết học hiện đại. Triết học không ở đâu xa, nó ở trong chính mỗi con người của chúng ta, nó là cách mà chúng ta cảm nhận và nhìn nhận thế giới quanh mình.