Return to site

SỐNG VÀ CHẾT VÌ NIỀM TIN

Một bạn đã đặt câu hỏi rất hay: “Vệ quốc giết giặc có phải tội sát sinh không?”

Câu hỏi tưởng rất đơn giản nhưng liên quan sâu sắc đến nhiều cột mốc quan trọng trong lịch sử loài người về đấu tranh chống lại ngoại xâm, chống lại cái ác để vệ quốc, bảo vệ làng mạc, bảo vệ gia đình, ba mẹ, vợ con, bảo vệ nhà thờ, chùa chiền, …Sự liên quan sâu sắc này đến từ 2 hệ tư tưởng đối lập nhau là “BẠO ĐỘNG” hay “BẤT BẠO ĐỘNG”, theo giới luật của “ĐẠO” hay theo “ĐỜI”.

Chúng ta đã từng xem qua các bộ phim về Thảm sát Thiếu Lâm Tự (Trung Quốc) bởi các thế lực bên ngoài (ngoại phái, triều đình, quân xâm lược…). Các nhà sư trong chùa Thiếu Lâm bị giằng xé nội tâm vì quyết định có nên phá giới để chống lại những kẻ muốn phá Chùa, đạp đổ tượng Phật, tàn sát đồng môn hay không?

Có thể lịch sử đã bị điện ảnh hóa qua các phim kể trên, nhưng lịch sử cận đại đã cho thấy 3 cột mốc quan trọng về đấu tranh Bất Bạo Động mà nhiều người Việt Nam biết đến: Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu 1963 tại Sài Gòn, Mahatma Gandhi chọn đấu tranh bất bạo động để giành độc lập cho Ấn Độ (1947-1949), sự đàn áp - xâm chiếm của Trung Quốc tại Tây Tạng dẫn đến sự lưu vong của Đức Đạt Lai Lạt Ma đến tận ngày nay.

ĐẠO: Của cải vật chất, quyền lực là nguyên nhân của sự xâm lược. Nhưng các nhà tu hành có còn màng đến chúng hay không? Những người còn màng đến thì thực sự họ có tu hành theo giới luật?

Mặc khác, nếu một người đã chọn con đường xuất gia, đi tu, bỏ lại hết cuộc sống ở trần gian thì thân xác đối với họ chỉ là tấm áo tạm nương nhờ lúc chưa đạt được thành tựu. Do đó, sống chết với họ đã không còn quan trọng nữa. Cái quan trọng nhất mà họ hướng tới là hoàn thiện bản thân, tập trung vào tu tập bằng giới luật. Như vậy, nếu có bất kỳ thế lực nào xâm hại thì những nhà tu hành đều có thể giải thích bằng kinh sách của mình qua Nghiệp, Nhân – Quả, Ý trời, Ý Chúa, thử thách…Nếu họ tự phá bỏ giới luật, tham sống sợ chết, ham quyền chức, danh lợi, đấu đá, hơn thua thì họ nên bước ra ngoài cuộc đời để làm những người bình thường.

ĐỜI: Còn những con người bình thường thì hoàn toàn có niềm tin riêng và những luận cứ chắc chắn thông qua các điểm sau:

1. Hầu hết các tôn giáo đều cho rằng cái ác phải bị trừng phạt và có thể bị hủy diệt. Tự nhiên hay thần linh sẽ trừng phạt họ. Vậy nếu thần linh giết người Ác thì có được xem là sát sinh?

Nếu không thì tại sao kẻ Ác xâm lược đến cướp phát làng mạc, giết chóc, cưỡng hiếp dân thường…thì sao ta không được chống trả và đánh đuổi họ?

2. Chúng ta tiết chế ăn uống để tránh sự lạm dụng (tham) chứ không thể tránh được sự sát sinh. Trong nước, không khí đều có sự sống, cây cỏ cũng có sự sống. Mọi loài vật đều nằm trong chuỗi thức ăn. Sự sát sinh là quy luật của tự nhiên. Con vật ăn no là ngừng. Nhưng con người thì vô đáy. Đó chính là sự lạm dụng (lòng tham). Con dao (sát sanh) không có lỗi, con người dùng nó như thế nào mới là có lỗi. Phân biệt sinh vật này ăn được, loài kia thì không, tạo ra chúng sinh bất bình đẳng, tạo ra sự kỳ thị.

Ăn chay tốt cho cơ thể về mặt khoa học đã được chứng minh hoặc 1 số chế độ ăn khác tùy vào cơ địa, chủng tộc, lứa tuổi...đó là khoa học dinh dưỡng. Điều này không liên quan gì đến khái niệm sát sinh cả.

Niềm tin trong Tôn giáo giúp ta có một sự chừng mực trong đấu tranh và nhìn ra ranh giới của Thiện Ác. Nhưng niềm tin trong Tôn giáo cũng là con mồi béo bở cho những kẻ xâm lược thoải mái tự tung tự tác trước sự bất khả kháng, bất bạo động của mình. Nếu bạn có niềm tin Tôn giáo đủ mạnh, và có thể chết vì niềm tin đó, thì cái chết đối với bạn cũng không còn quan trọng. Nên nguyên nhân, hay kẻ gây ra cái chết đó đối với bạn cũng không còn quan trọng nữa. Nhưng nếu bạn theo con đường tu hành thì hãy có sự tách biệt dứt khoát để tránh liên lụy cho người thân, vợ con, bạn bè…trong các tình huống kể trên vì tư tưởng và niềm tin của mình. Vì bạn theo giới luật người tu và vẫn sống giữa đời thì chính giới luật đó sẽ giết chết những người nằm ngoài niềm tin của bạn (chỉ trong tình huống bài viết).

Còn những con người bình thường đấu tranh để sinh tồn, đấu tranh cho lẽ phải, chống lại cái Ác, đó chính là tình yêu, niềm tin và lý tưởng của bạn. Và bạn cũng sẵn sàng chết cho điều đó. Nhưng ta phải biết đâu là giới hạn, vì trong cuộc đời này Thiện Ác lẫn lộn, ranh giới giữa kẻ bị hại và người hại rất mong manh. Chúng ta sống ở đời chỉ cần dựa vào 2 thứ: Tình yêu và Trí tuệ. Hai thứ này sẽ giúp bảo vệ ta và những gì ta yêu thương, giúp ta sống có giá trị với người khác, giúp ta có sức mạnh để không kẻ mạnh hung hãn nào dám tới gần, giúp ta thu hút được những người thiện lương bên cạnh để tạo sự an toàn, giúp ta chủ động trước mọi biến cố từ con người và thiên nhiên, Tình yêu và Trí tuệ giúp ta phân biệt đúng sai, giúp ta tìm ra Đạo Đức. Đối với tôi, là một con người tốt cũng khó không thua kém so với việc mong muốn thoát tục, giải thoát, và trở thành thánh nhân. Vì mỗi chúng ta đều là thánh nhân trong cuộc đời của mình nếu ta biết tối ưu cái mà vũ trụ đã ban tặng.