Tôn giáo, Triết học và Khoa học có vai trò như thế nào đối với sự phát triển của nhân loại?
Nhận thức con người về bản thể và bên ngoài bản thể đều thuộc về vũ trụ (theo nghĩa rộng). Vũ trụ theo nghĩa rộng tức là vũ trụ vượt qua ranh giới của sự giới hạn mà con người tạm thời quan sát được hiện nay. Tức bao gồm tất cả những gì tồn tại cho dù con người có nhận biết được hay không.
Trong vũ trụ mở rộng này, những gì con người có thể quan sát, tính toán, kiểm chứng được trực tiếp hay gián tiếp sự tồn tại của nó qua các quy luật vật lý được gọi là khoa học. Khoa học đi theo hướng chi tiết, cụ thể, rõ ràng và chứng minh được bởi hệ tư duy của con người.
Nhưng con người luôn có sự giới hạn về các giác quan, cũng như hệ quy chiếu tư duy nhỏ hẹp đặt vào để chứng minh sự tồn tại các hiện tượng trong vũ trụ gần như vô hạn. Ví như 1 hạt cát nhận thức về sa mạc và bên ngoài sa mạc là gì? Hệ quy chiếu sa mạc, biển, núi, rừng...cũng khác nhau...và mở rộng ra nữa.
Tương tự như vũ trụ giới hạn chứa thiên hà Milky Way của chúng ta; vũ trụ mà con người quan sát và đo đạc hiện nay đã rộng gấp nhiều lần so với vài chục năm về trước, và nhiều hơn nữa so với trước đó. Điều này đồng nghĩa là vài chục, vài trăm năm sau nữa, con người sẽ đo đạc được vũ trụ rộng lớn hơn nhiều lần hiện nay. Vậy điều gì dẫn đến sự khác biệt này đối với cùng một vũ trụ mà con người quan sát? Đó chính là sự chuyển dịch giới hạn của con người.
Triết học là sự bao quát nhất tất cả nhận thức của con người về bản thể và ngoài bản thể. Tức là bao gồm cả điều đã chứng minh được và những gì vẫn được xem là giả thuyết hợp lý đối với những hiện tượng, vấn đề nằm ngoài sự giới hạn hiện nay của con người.
Triết học thời xưa thì bao gồm cả khoa học như giải thích trên. Nhưng triết học hiện nay tập trung vào ba điểm chính sau đây:
- Tính hồi quy về gốc: Tức ngược với khoa học. Khoa học phát triển chi tiết như 1 cái cây phân nhánh, lá, hoa quả ...hoàn chỉnh. Còn triết học là 1 chu trình tua ngược lại. Do đó triết học mang tính trừu tượng cao. Đôi khi 1 từ ngữ như 1 hạt giống. Ta có thể phát triển ý từ 1 từ ngữ trừu tượng, diễn giải nó ra thành nhiều trang giấy. Tính trừu tượng trong triết học có ưu điểm là để ta dàng cô đọng ý rộng lớn trong vài từ ngắn gọn, nhằm đưa vào văn thơ và lưu truyền bằng miệng dễ dàng hơn.
- Tính giả thuyết: Các tư tưởng lớn trong triết học xuất phát ban đầu đều là các giả thuyết chưa thể kiểm chứng ngay. Qua thời gian, những gì kiểm chứng được bằng thực tiễn là đúng thì các thuyết từ triết học sẽ được chuyển sang thành khoa học. Do đó sự kết nối, liên kết giữa khoa học và triết học là vô cùng mật thiết.
- Tính bao quát: Triết học mang tính bao quát và rộng hơn về mọi hướng (macro) nhưng không đi sâu vào chi tiết (micro) như khoa học. Triết học bao gồm cả những vấn đề, sự vật hiện tượng mà khoa học chưa thể lý giải được.
Tôn giáo là niềm tin của con người được thay thế bởi sự bất khả tri. Sự bất khả tri đến từ sự giới hạn như tôi đã trình bày ở trên. Nhưng trong vũ trụ mở rộng này, gần như phần lớn là sự bí ẩn và thuộc về sự bất khả tri của con người. Do đó, tôn giáo có một vị trí cực kỳ quan trọng để lấp đầy khoảng trống đó.
Như tôi đã từng trình bày trong bài viết "Nguồn gốc của sự sợ hãi",
Sự sợ hãi của con người chủ yếu đến từ việc hoàn toàn không biết về cái mà mình sợ. Tức sự bí ẩn là 1 nỗi sợ hãi. Niềm tin tôn giáo giúp con người có chỗ dựa để chống lại nỗi sợ này. Tức dùng 1 sự bí ẩn mà mình tin để chống lại 1 sự bí ẩn mà mình sợ. Đó là một sự phát triển tâm lý bình thường của con người.
Nếu ai đó tự cho mình là đã hiểu hết vũ trụ và trong vũ trụ hoàn toàn không có sự bí ẩn nào cả thì họ có thể bỏ đi niềm tin tôn giáo. Nhưng điều này là ảo tưởng và phi lý tột cùng. Không ai trong chúng ta mà không có sự giới hạn của sự hiểu biết (vô minh), không ai trong chúng ta mà không tồn tại sự sợ hãi trong 1 thời điểm nào đó của cuộc đời. Ai đó không theo 1 tôn giáo nào hiện có, bởi vì niềm tin của họ đặt vào 1 tôn giáo khác chưa có tên gọi, chưa hiện hữu; hoặc lý tưởng, niềm tin của riêng họ chính là tôn giáo của cá nhân họ.