Return to site

CÂU TRUYỆN TRIẾT HỌC

TRUYỆN SỐ 1

Có 3 người bạn chơi với nhau rất thân, 1 người bị què chân, 1 người bị cụt tay và 1 người bị điếc. 

Người bạn bị què chân chơi đàn rất giỏi, người bạn bị cụt tay thì đá banh rất giỏi, còn người bạn bị điếc thì chơi bóng chuyền rất giỏi. Cả 3 rất hài lòng vì đã tìm ra các sở thích có thể che lấp các khuyết điểm của mình.

Một ngày nọ, 2 người bạn thấy anh què chân ngồi khóc 1 mình và than trời trách đất.

Bạn cụt tay tiến đến hỏi: Cậu có chuyện gì buồn thì chia sẻ cho anh em biết. Tại sao ngồi đây mà khóc 1 mình.

Què chân đáp: Tớ yêu 1 cô gái và theo đuổi cô ta khá lâu. Cô ta cũng có cảm tình với tớ nhưng gia đình cô ấy kịch liệt phản đối bởi vì khiếm khuyết của tớ. Ba mẹ cô ấy nói sẽ từ cô ấy nếu quen tớ. Tớ hận đời tại sao bất công. Ai cũng có đôi chân lành lặn còn tớ thì không? Tại sao lại là tớ? 

Què chân ngưng khóc, suy nghĩ 1 chút rồi nói: Nếu tớ cụt tay hay điếc thì sao tớ đánh đàn được? Như vậy càng tồi tệ hơn với tớ. Không được!

Cụt tay vỗ vai bạn: Cậu nhận ra rồi đó, ai cũng có khuyết điểm và nỗi khổ tâm riêng. Cái khác là nhiều người không để lộ nó ra ngoài như anh em mình mà thôi. Nếu ai đó muốn đổi với cậu cái mất của họ thì chỉ càng đưa cậu vào bất lợi hơn mà thôi. Do cậu quen với việc sống với bất lợi của mình hơn là sống với bất lợi của người khác. Còn chưa kể nhiều người bị mắc bệnh hiểm nghèo cho dù họ có đầy đủ mọi thứ...Hãy trân trọng và vui vì các lợi điểm của mình hơn là suốt ngày suy nghĩ các khuyết điểm mặc định để mà đau khổ. Cậu cố gắng đàn thật giỏi, thành 1 nghệ sĩ lớn thì khuyết điểm của cậu còn được ca tụng. Cậu thấy như Stephen Hawking không? Các chức năng trong cơ thể ông ta thậm chí còn không hoạt động tốt trừ bộ não. Nhưng ông ta thực sự là 1 thiên tài trong việc khai thác điểm mạnh. Khối cô gái trẻ đẹp nguyện theo ông ta để hầu hạ. Khuyết điểm của ông ta còn giúp ông càng được ngưỡng mộ và tỏa sáng hơn. Tớ tin cậu cũng có thể tỏa sáng!

Sang Do (July 21, 2021) 

 

TRUYỆN SỐ 2

Có cặp vợ chồng sống bằng nghề đưa đò trên con sông nhỏ ở 1 vùng quê xa, dân cư rất thưa thớt. Cuộc sống của ông bà cũng vừa đủ ăn và công việc cứ lặp đi lặp lại mỗi ngày nên cũng rất nhàm chán. Hai vợ chồng ông tuy đã ngoài 50 và lấy nhau hơn 20 năm rồi vẫn chưa có con. Ông hàng ngày cứ ngước lên trời hỏi: "SỐNG ĐỂ LÀM GÌ?"

Một thời gian sau, các đập thủy điện được xây dựng trên thượng nguồn sông, dẫn đến hàng năm ngôi làng nơi ông ở phải hứng chịu ít nhất 1 trận lũ lụt lớn. Đứng nhìn cảnh người chết vì lũ, ông không cam tâm và phát tâm mỗi năm sẽ dùng cái ghe mà mình có để đi cứu người.

Sau 2 mùa lũ, tự nhiên vợ ông có thai và sinh cho ông được 1 đứa con trai mặt mày sáng sủa, trông rất khỏe mạnh và thông minh. Ông vui mừng khôn xiết và từ đó trở về sau, ông cũng quên hẳn thói quen hỏi ông trời: "Sống để làm gì?".

Đến mùa lũ thứ 7, khi con trai ông được 4 tuổi thì trong lúc cứu người trong 1 đợt lụt lớn, ông đã bị lật xuồng và bị lũ cuốn trôi. 

Do khi còn sống ông đã làm được nhiều việc tốt, nên khi chết ông được ân huệ gặp mặt Thượng đế 1 lần và xin được 1 điều. Ông xin Thượng đế cho con ông được giàu có, đầy đủ, sung sướng, không phải khổ như đời ông.

Quả thật, vợ ông lúc đi mò cua bắt óc vô tình nhặt được rất nhiều trang sức bằng vàng đính kim cương, có thể do lũ lụt mang tới. Kể từ đó, vợ ông và đứa con sống trong giàu sang nhung lụa. 

Con trai ông có tướng tá rất sang trọng, khác hẳn ông về mọi mặt. Nhưng có 1 bệnh di truyền từ cha là hay ngước lên trời hỏi: "SỐNG ĐỂ LÀM GÌ?". Sự thật là do con trai ông quá đầy đủ và không còn thiếu lạc thú nào trên đời mà không trải qua đến nhàm chán. Con ông bị mất niềm vui trong cuộc sống nhất là cậu đã lấy vợ đã lâu cũng không có con. Cậu ta nghĩ không biết sau này chết để của cải lại cho ai, ai sẽ nối dõi....Cũng vì chuyện con cái mà vợ chồng anh ta thường xuyên có những trận cãi vã và không bao giờ cảm thấy hạnh phúc.

Một đêm nọ, trong 1 giấc mơ, có 1 vị thần hiện ra với anh và nói: "Ta thấy ngươi cứ hỏi Thượng đế "Sống để làm gì?" vậy ngươi có muốn thử cảm giác sau khi chết không? Nếu ngươi không thích ta sẽ đưa ngươi trở lại hạ giới.

Anh ta đồng ý và linh hồn bị dẫn đi đến 1 nơi xa lạ. Nơi này có 1 cái cổng lớn bằng vàng rồng nguyên khối được nạm nhiều kim cương lấp lánh. Anh cũng không biết đây là thiên đàng hay là ở đâu. 

Anh hỏi vị thần: Vậy nhiệm vụ của tôi là làm gì ở đây?

Vị thần đáp: Nhiệm vụ của ngươi chỉ là đứng gác ở cái cổng này, bù lại ngươi được 1 số đặc ân của thần tiên như không cần ăn uống cũng không thấy đói, không bao giờ bệnh tật và cảm thấy mệt mỏi...

Anh cảm thấy rất vui mừng vì mình đã không còn bị chi phối bởi thân xác, được trở thành thần tiên và bay trên mây. 

Sau khi đứng gác ở cổng đến ngày thứ 7 thì anh cảm thấy buồn chán vô cùng, anh càng cảm thấy mình tầm thường và vô nghĩa hơn cả lúc còn làm người. Đến ngày thứ 10, không chịu nổi nữa anh bèn hét lớn: "Chết để làm gì? Làm tiên để làm gì?"

Anh khóc thật nhiều và nhận ra lúc sống anh cũng hỏi sống để làm gì? Chết anh cũng hỏi chết để làm gì? Dù làm tiên anh cũng thấy vô nghĩa? Vấn đề không nằm ở chỗ là anh sống hay chết, hay ở 1 trạng thái khác. Vấn đề là ở sự bất định, mất định hướng trong tâm trí luôn ở trong anh bất kể khi anh là gì. Anh bị mắc kẹt trong cái ngục tù tâm trí mà anh tự vẽ lên thay gì hành động, tận dụng tất cả những gì tuyệt vời nhất mà vũ trụ ban tặng để làm những việc có ích cho người khác. 

Lúc này anh nhận ra rằng, sự tồn tại có ý nghĩa nhất là có sự tác động tích cực đến người khác -> để biết ta là 1 thực thể tồn tại hữu ích. Một viên gạch đã tự có ý nghĩa để làm gì? Một cái móc áo cũng vậy, đôi giày cũng vậy...Nhưng 1 con người lại không thể tìm ra câu trả lời đó.

Sang Do (Aug 21, 2021) 

 

TRUYỆN SỐ 3

Trên ngọn núi kia có 1 lớp học của thầy Hổ. Thầy có 3 học trò chuẩn bị thi tốt nghiệp. Ngày thi tới, thầy cho gọi các trò và phát cho mỗi người 1 chiếc gương rồi nói: Đề thi năm nay là 1 chiếc gương, các con có 3 ngày để suy nghĩ bài học tự rút ra từ chiếc gương này. Nếu các con trả lời đạt yêu cầu, thầy sẽ cho các con được tốt nghiệp. 

Sau 3 ngày trôi qua, các trò đã hội tụ đông đủ tại lớp học. Thầy Hổ gọi từng trò lên để hỏi kết quả.

Học trò thứ nhất cầm chiếc gương đến trước mặt thầy và nói:

Mỗi ngày con đều đem chiếc gương ra soi. Con thấy rõ được những khuyết điểm trên gương mặt. Con thấy được những khuyết điểm bên ngoài thân thể. Nhưng chiếc gương không thể soi được bên trong để con thấy được những khuyết điểm của mình. Con ước có được 1 chiếc gương có thể soi được phần bên trong con người mình. 

Thầy nói: Hãy biến Tâm con thành chiếc gương.

Thầy nói học trò thứ 1 về chỗ và gọi trò kế tiếp.

Học trò thứ 2 cầm 1 chiếc gương đã bị vỡ đến trước mặt thầy và nói:

Thưa thầy, hôm trước trên đường về nhà, con đã lỡ tay làm rơi chiếc gương và nó đã bị vỡ với nhiều vết rạn nứt. Hàng ngày con soi vào nó thì con cũng không còn là chính con vì gương mặt và thân thể con đã bị biến dạng. 

Bạn bè con thấy vậy cứ chê cười: "Ai đời lại lấy gương vỡ mà đi soi mặt mình bao giờ".

Sau 3 ngày suy nghĩ, con đã nhận ra: Do con đã có được chiếc gương lành lặn ban đầu để đối chiếu, so sánh nên con biết được sự khác biệt. Nếu ai đó ban đầu chỉ nhận được hay chỉ được tiếp xúc với 1 chiếc gương đã bị nứt vỡ thì họ lấy gì để so sánh? Có khi họ nghĩ gương mặt họ sinh ra đã méo mó, dị dạng như vậy. Cái gương đã làm méo mó mọi thứ. Nếu ta sinh ra trong 1 nền triết học bị méo mó và không có sự so sánh thì cũng như chiếc gương vỡ kia mà thôi. Rồi ai cũng lấy chiếc gương vỡ làm tiêu chuẩn để soi xét mọi thứ.

Thầy ôn tồn nói: Con đã nhận ra điều đó sao còn cầm chiếc gương vỡ đến đây?

Hãy vứt nó đi!

Thầy cho trò thứ 2 lui xuống và gọi trò cuối cùng lên.

Thấy Hổ hỏi: Chiếc gương của con đâu sao ta không thấy?

Trò 3 đáp: Con đã tìm thấy nhiều chiếc gương tốt hơn quanh mình nên con đã vứt nó đi rồi.

Thầy: Các chiếc gương kia đâu, sao ta không thấy?

Trò: Các bạn bè, ba mẹ, anh em, Thầy...và những người con có duyên tiếp xúc đều là chiếc gương để con soi mình.

Trong mỗi người đều có khuyết điểm và ưu điểm. Nếu con thấy các khuyết điểm từ họ thì con soi xét lại chính mình xem có đang sở hữu chúng không? Con thích phê phán và ghét các tật xấu của người khác, nếu các tật xấu đó đang ở trong con thì con phải càng căm ghét và dọn dẹp nó càng sớm càng tốt. Không ai đời đi ngắm nhìn rác thiên hạ mà hàng ngày chịu ngửi mùi hôi thối do rác của chính mình tạo ra cả.

Còn nếu con thấy các ưu điểm từ mọi người. Con phải cố gắng mà rèn luyện, học hỏi để có được. Con phải dọn rác mới trống chỗ để chứa các báu vật chứ!

Thầy mỉm cười nói: Con cũng chính là chiếc gương của ta.

Sang Do (Jan 25, 2022) 

 

TRUYỆN SỐ 4

Một thầy giáo dạy tiểu học dẫn các học sinh tham quan 1 cơ sở sản xuất đồ gốm sứ thủ công. 

Bước vào gian đầu tiên, mọi người nhìn thấy một anh thợ đang vẽ những hoa văn tuyệt đẹp lên 1 bình gốm. 

Thầy giáo nói với ông chủ: 

Đây chắc là người thợ quan trọng nhất của anh đúng không? Bởi vì anh ta giúp cho các sản phẩm gốm sứ tăng giá trị lên rất nhiều lần.

Ông chủ cười và đáp: 

Trong xưởng gốm này, mỗi người thợ đều có nhiệm vụ khác nhau và đều quan trọng. Nhưng đã là nghề làm đồ gốm thì anh thợ làm gốm ngồi trong kia mới là quan trọng nhất. 

Anh ta luôn ngồi ở vị trí khuất bên trong với bộ quần áo nhem nhuốc. Nhưng anh ta giúp định hình những khối đất sét vô tri vô giác thành các sản phẩm cụ thể và hữu dụng. Tức anh ta quyết định sản phẩm trong tay mình khi hình thành sẽ có hình dạng ra sao, công dụng như thế nào.

Rồi ông nhẹ nhàng nói tiếp: 

Và thầy cũng đang là 1 người thợ làm gốm.

Sang Do (May 14, 2022)